Chấn chỉnh công tác xuất khẩu lao động sang Đài Loan

26/7/2014 | Lượt đọc: 12665

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã tạm dừng hoạt động tuyển dụng sang Đài Loan của một loạt công ty xuất khẩu lao động sai phạm nhằm bảo vệ thị trường tiếp nhận tới gần 50% lao động xuất khẩu của Việt Nam.


Thu phí quá cao, giữ lương, khấu trừ tiền lương

Được xác định là thị trường tiếp nhận lao động lớn nhất của Việt Nam, năm 2014, Cục Quản lý lao động ngoài nước đề ra chỉ tiêu đưa 45.000-50.000 lao động sang Đài Loan làm việc trong năm 2014. Tuy nhiên, tình trạng các công ty xuất khẩu lao động thu phí quá cao, giữ lương, khấu trừ tiền ăn, ở từ lương của người lao động đang ảnh hưởng xấu đến thị trường trọng điểm này.

Việc thu phí quá cao so với quy định không chỉ gây hại đến quyền lợi của người lao động, mà cũng dẫn tới việc người lao động bỏ trốn sau khi hết hạn hợp đồng để làm việc bất hợp pháp nhằm kiếm thêm thu nhập bù vào chi phí xuất cảnh quá lớn phải bỏ ra. Tuy tỷ lệ bỏ trốn của người lao động Việt Nam ở thị trường Đài Loan không quá cao như tại Hàn Quốc, nhưng cũng ở mức trên dưới 10%, nên nếu không sớm có biện pháp chấn chỉnh, thì nguy cơ bị đóng cửa thị trường như từng xảy ra với Hàn Quốc không phải là viễn cảnh xa vời.

Từ trong năm 2013, dù tổng chi phí hoàn tất hồ sơ để xuất cảnh theo quy định chỉ từ 3.800 USD/người (đối với nghề hộ lý, chăm sóc người già) đến 4.500 USD/người (đối với lao động làm việc trong các nhà máy), nhưng người lao động luôn phải trả từ 5.000-7.000 USD/người. Một cán bộ tuyển dụng của một công ty xuất khẩu lao động (xin được giấu tên) cho biết, không phải riêng thị trường Đài Loan mà tại tất cả các thị trường khác, không có mấy công ty thu phí của người lao động đúng theo quy định của pháp luật. 

Để tạo nguồn lao động, ngoài việc đăng tuyển trên báo chí, các công ty đều cử người về các tỉnh xa, làm việc với chính quyền xã, huyện để họ đứng ra nhận hồ sơ tuyển dụng chuyển cho công ty. Trong đó, với mỗi lao động được xuất cảnh, các công ty sẽ trả hoa hồng cho huyện, xã ít nhất 100-200 USD, thậm chí 300 USD.

Với đội ngũ trung gian, “cò mồi” khác, số tiền chênh lệch mà người lao động phải trả thậm chí còn cao hơn, bởi  các đối tượng cò còn nâng chi phí thêm vài trăm, thậm chí vài nghìn USD so với mức giá mà các công ty đưa ra đối với những thị trường có lương cao như Nhật Bản, Hàn Quốc.

Theo vị cán bộ nêu trên, nếu thu đúng theo quy định của Nhà nước, thì không công ty xuất khẩu lao động nào có đủ lợi nhuận để trả mức hoa hồng cao như vậy. Đề bù đắp chi phí hoa hồng, đương nhiên các công ty phải “vẽ” ra đủ loại chi phí khác để thu của người lao động. Hơn nữa, trả hoa hồng cao hoặc để mặc cho cò kiếm lời thì họ mới chịu khó đi về địa phương tìm kiếm lao động đáp ứng đơn hàng cho công ty.

Hàng loạt doanh nghiệp bị tuýt còi

Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Đào Công Hải cho biết, cuối năm 2013, cơ quan này đã mở chiến dịch thanh tra trên diện rộng và phát hiện sai phạm của gần 20 doanh nghiệp trong tổng số 45 doanh nghiệp xuất khẩu lao động sang Đài Loan (Vinamotor, Petromanning, Vihatico, Letco, Vinatex - LC, Vivaso, Vietcom Human…). Các lỗi phổ biến là: thu phí cao hơn quy định, không bảo đảm điều kiện ăn, ở cho lao động theo hợp đồng.

“Ngoài ra, Cục cũng đã ban hành quyết định giảm chi phí xuất cảnh sang Đài Loan, áp dụng từ ngày 1/2/2014. Theo đó, tổng chi phí hoàn thiện hồ sơ xuất cảnh đối với một lao động làm việc trong nhà máy tối đa không quá 4.000 USD, đối với lao động làm nghề hộ lý, chăm sóc người già không quá 3.300 USD”, ông Hải nói thêm. 

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Tạo, Trưởng phòng Đài Loan và châu Mỹ (Cục Quản lý lao động ngoài nước), bất chấp các biện pháp quyết liệt của Cục, các công ty vẫn tiếp tục thu phí vượt trần. Với quyết tâm dẹp loạn thị trường, Cục đã mở đợt thanh tra lần thứ hai và phát hiện 14 công ty vi phạm (Letco, Viettracimex, Vinagimex, Vinamotor, Songhong IM…) với lỗi chủ yếu thu thí cao hơn quy định, giữ lương, khấu trừ tiền ăn, ở từ lương của người lao động.

Ngoài việc xử phạt hành chính với mức tối đa có thể lên tới 180-200 triệu đồng, ngày 18/2, Cục đã có văn bản yêu cầu các công ty nói trên tạm dừng cung ứng, tiếp nhận lao động sang Đài Loan làm việc trong thời gian từ 45 đến 60 ngày để rà soát, chấn chỉnh hoạt động và báo cáo Cục xem xét các biện pháp xử lý tiếp theo.

Đặc biệt, qua đợt thanh tra này, 11 công ty môi giới của Đài Loan cũng bị phát hiện những lỗi tương tự và Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đã yêu cầu các đơn vị nói trên tạm dừng tiếp nhận hồ sơ của lao động Việt Nam trong 45-60 ngày, giải quyết các vi phạm và báo cáo lên Cục.

“Các biện pháp quyết liệt nói trên thể hiện sự kiên quyết của cơ quan quản lý nhằm tạo dựng môi trường xuất khẩu lao động sang Đài Loan tốt hơn, hạn chế sai phạm và đảm bảo quyền lợi cho người lao động trong thời gian tới”, ông Hải khẳng định.

                                                                                                                                 Phan Long (baodautu.vn)

Từ khóa: ,